Nghệ thuật chơi bút tại thị trường Việt Nam

  • 26/10/2017
  • 594 Lượt xem

Xã hội ngày càng phát triển với nền kinh tế toàn cầu hoá và trong một thế giới phẳng như hiện nay những chiếc bút ký cao cấp dường như đang mất dần vai trò “dùng để viết” của mình. Thay vào đó, ở một gốc độ nào đó, bút ký cao cấp được nâng cấp thành một sản phẩm đẳng cấp, lịch lãm, sang trọng và đắt tiền.


Đồ hiệu “chính ngạch”

Thực ra, khi nhắc đến bút hàng hiệu tại Việt Nam, gần như chúng ta sẽ lập tức nghĩ ngay tới thương hiệu bút Montblanc – nhãn hiệu luôn nổi tiếng với những bông hoa tuyết, hay Waterman, Parker, Sheaffer, Sailor, Cartier, S.T.Dupont, Caran d’Ache… Đối với nhiều người, đây là những thương hiệu cao cấp đắt tiền, là niềm mơ ước của ngay cả người giàu có. Tuy nhiên, dân sành đồ hiệu lại có xu hướng phân chia xa xỉ làm hai nhóm là mass luxury – gồm những thương hiệu dành cho số đông và top luxury – gồm những thương hiệu và các sản phẩm với số lượng chế tác cực kỳ giới hạn, chỉ dành cho những người thực sự thuộc về thế giới elite. Nhìn chung, các thương hiệu được đa phần người Việt yêu mến đều thuộc nhóm dành cho số đông. Trong khi đó, lý do mà các thương hiệu dành cho thiểu số ít được người Việt Nam lựa chọn không phải là bởi cái giá quá đắt, mà là bởi chúng vẫn chưa được biết đến.


Thông thường khi lựa chọn đồ hiệu, người ta thường lựa chọn những dòng chính, hãy những dòng sản phẩm tạo nên danh tiếng của một thương hiệu. Chẳng hạn, khi chọn đồ da, người ta sẽ chọn đồ da của Hermès. Tương tự, khi chọn đồng hồ, người ta cũng chọn đồng hồ từ những thương hiệu nổi tiếng và có khởi nghiệp là ngành chế tác đồng hồ như Omega, Rolex. Còn khi chọn bút, người ta sẽ chọn bút của các thương hiệu như Montblanc (mặc dù thương hiệu này hiện đã sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm khác như đồ da thuộc, khuy măng sét và máy lửa…),Waterman, Parker, Sheaffer, SailorTrong khi đó, các thương hiệu khác hiện cũng đang có sản phẩm được yêu thích là bút đều có xuất thân từ các ngành nghề khác. Chẳng hạn, Cartier khởi nghiệp từ đồ trang sức nhưng bút của Cartier giờ khá được yêu thích. Hoặc S.T.Dupont nổi tiếng về bật lửa với những tiếng keng, keng sành điệu nhưng không phải vì thế mà bút của S.T.Dupont không ấn tượng.


Thực tế, khi nói về những chiếc bút cao cấp thực sự, thì trên thế giới, không chỉ tồn tại một cái tên của một thương hiệu đã trở thành nỗi ám ảnh của giới thượng lưu. Đó là Grayson-Tighe, Loiminchay, Michel Perchin, AP Limited hay David Oscarson… Rất may mắn, khi hai trong số các thương hiệu trên đã có mặt tại Việt Nam, và đó là Grayson-Tighe và David Oscarson. Tuy nhiên, ở đây xuất hiện một câu hỏi là giới mộ điệu dựa vào các tiêu chí nào để đánh giá và phân biệt đẳng cấp của những cây bút. Và đây cũng chính là vấn đề mà mọi người quan tâm.

Những quy ước ngầm của thế giới xa xỉ

Thực ra, không tồn tại bất kỳ một quy định cụ thể nào trong thế giới xa xỉ để xác định “tôi thuộc nhóm này còn anh thuộc nhóm kia.” Tuy nhiên, vẫn có một vài tiêu chuẩn mà các nhãn hiệu hay dân sành chơi quy ước ngầm với nhau. Các quy ước này gồm có về giá cả, độ quý, hiếm của chất liệu, giá trị di sản, tính thủ công, tính độc đáo, tính nghệ thuật, giới hạn chế tác thủ công, chất lượng tổng thể. Và đương nhiên, sản phẩm nào vượt qua hết các tiêu chuẩn trên, chắc chắn, đó không phải là một sản phẩm bình thường, mà là một tuyệt tác về nghệ thuật.

Chẳng hạn, giá rẻ nhất của một cây viết Grayson-Tighe là $1.500, tương đương với dòng Limited Edititon của các thương hiệu bút cao cấp nhất. Nhưng, Grayson-Tighe đâu phải cây bút mang lại may mắn, hay viết ra chữ vàng thì tại sao lại có thể đắt như vậy? Đấy là chưa kể, bút khá nặng, nếu bạn cài vào túi áo không rách túi áo thì cũng khiến áo mất phom. Nếu nói thương hiệu này có giá trị di sản cao cũng không đúng vì Grayson – Tighe thuộc nhóm thương hiệu xa xỉ mới (có một tuổi đời chỉ khoảng hơn chục năm). Tất cả là bởi giá trị của cây viết Grayson Tighe nằm ở chất liệu, tính thủ công, tính nghệ thuật và giới hạn chế tác.


Trước giờ, chúng ta vẫn thường nhầm tưởng và đánh đồng vàng, bạch kim và kim cương là xa xỉ, vì vậy, khi một sản phẩm được gắn, khảm, nạm hoặc chế tác từ những chất liệu này, chúng nghiễm nhiên cũng trở thành những sản phẩm xa xỉ và sẽ được đưa ra một cái mức giá rất trên trời. Điều này có thể đúng với một số người và một số trường hợp, bởi ở một góc độ nào đó vàng, bạch kim, kim cương đều là những chất liệu quý hiếm. Nhưng ngoài các chất liệu này, thế giới vẫn còn những chất liệu quý hiếm khác.

Các siêu chất liệu quý hiếm

Một trong những siêu chất liệu điển hình này là gỗ mun châu Phi blackwood. Đây là loại gỗ lấy từ những thân cây có tuổi thọ tối thiểu hơn 200 năm với độ cứng như thép, và độ quý hiếm hơn vàng. Hoặc đó là ngà của voi Mammooth, loài động vật đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Để tìm được những cặp ngà này, người ta phải tới vùng Siberia với khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ thường trực ở mức -40 độ C, đó là chưa kể tới việc người ta còn phải đào sâu xuống dưới lớp tuyết dày cả chục mét. Ngoài ra, còn có cả san hô đỏ – một siêu vật liệu mà để khai thác, người ta phải lặn xuống vùng biển châu Á sâu thẳm đầy rẫy cá mập.


Hoặc đó là loại thép cổ xưa Damascus và Mokume Gane mang hoa văn rất đặc trưng. Ấn tượng hơn nữa, khi Grayson Tighe còn dùng những mảnh thiên thạch với hoa văn kỳ ảo để gọt giũa và tạo ra một cây bút “phong thủy” (theo quan niệm của phương Đông, đá ngoài hành tinh có thể mang lại may mắn cho chủ nhân).

Kỹ thuật siêu chế tác

Chưa hết, sau khi có chất liệu quý hiếm, những người thợ thủ công còn phải sáng tạo nghệ thuật và phải đo, phải chỉnh để sao cho có thể tận dụng triệt để ưu điểm của chất liệu. Chẳng hạn với mẫu bút khắc rồng của Grayson – Tighe, người thợ chế tác đã phải điêu khắc tỉ mỉ, và điều này diễn ra hoàn toàn thủ công. Tính chính xác với mỗi đường chạm khắc gần như là tuyệt đối, bởi chỉ cần một cái trượt tay, sản phẩm hỏng, và sẽ khó có thể tìm lại được chất liệu thay thế. Thế nên, mỗi chiếc bút đều là một sản phẩm duy nhất, còn thời gian thực hiện một sản phẩm thường tối thiểu là 03 tháng.

Bởi quy trình chế tác thủ công này, số lượng sản xuất rất hạn chế. Với các mẫu có giới hạn chế tác lớn tối đa cũng chỉ khoảng 20 chiếc. Và hẳn nhiên, để duy trì vị thế sáng tạo của mình, các thương hiệu phải liên tục đầu tư cho ra đời các mẫu mã thiết kế mới thay vì tiếp tục sản xuất các mẫu mã cũ đang được ưa chuộng như cách các thương hiệu lớn vẫn làm. Đặc biệt, với dòng sản phẩm one-of-a-kind, thì cả thế giới chỉ có một chiếc duy nhất và giá của nó thì hoàn toàn vô chừng. Tuy nhiên, chiếc có giá thấp nhất cũng vào khoảng $5.000.


Và bút hiệu cao cấp thực sự không đơn thuần chỉ là vật cài cho đẹp áo hay thứ dùng để ký hợp đồng. Bút hiệu còn là những kiệt tác về nghệ thuật, khẳng định sự tinh tế của người sử dụng và là vật trang sức đầy tri thức cho các quý ông thành đạt. Một ngày nào đó, bạn nhìn thấy quý ông với cây bút chạm rồng và tương đối cổ kính, thân bút to và khá nặng. Đừng vội nhận xét “sao mà bất tiện thế?” mà thay vào đó, chúng ta nên ngầm hiểu: “Đây là tay chơi đích thực.” Nội dung trên đây chỉ là nhận định và đánh giá chủ quan cả một tác giả trên diễn đàn chơi bút tại Việt Nam. Để có cái nhìn tổng quan hơn và sâu sắc hơn, nếu bạn là một tay chơi bút thật sự chắc hẵn cái tên “The Fountain Pen Network” là một trong những nơi tìm đến thường xuyên và đây cũng là kho kiến thức quý giá dành cho những tay chơi “Amater”.

Hiệu chỉnh từ chuyên gia của www.thegioibut.com